Powered By Blogger
VINH DANH NGƯỜI VỢ LÍNH VNCH
NHỮNG ĐÓA HOA THỜI LY LOẠN 
Người vợ lính VNCH trước hết là một người phụ nữ với đầy đũ 4 đức tính quý  như Công, Dung, Ngôn, Hạnh - là nền tảng giá trị để định mức về vị trí đứng trong gia đình và ngoài xã hội của người phụ nữ miền nam VN trước năm 1975. Bốn đức tính đó được hấp thụ từ nền giáo dục nhân bản và dân tộc của VNCH được hòa huyện một chút khổng giáo. Người vợ lính VNCH vừa là con dâu vừa là chị, em dâu, vừa là mẹ của các hậu duệ VNCH và là người yêu lý tưởng của người chiến sĩ bảo quốc an dân. Trách nhiệm và bổn phận của những người vợ lính thật không đơn giản và nhẹ nhàng trong thời chiến cũng như trong thời bình. Trong thời bình họ cũng giống như bao người phụ nữ khác trong xã hội. Trong chiến tranh, chồng ở chiến trường, vợ ở nhà quán xuyến công việc gia đình mà công việc gia đình nhiều đến nỗi có những việc chưa kịp đặt tên, nhưng tất cả đều là việc. Chăm sóc các con, chăm sóc tình thân gia đình quyến thuộc, chăm sóc tình bạn bè bằng hữu. Để rồi, những giờ phút yên tỉnh về đêm khi các con chìm trong giấc ngủ, mơ màng nghĩ đến chồng nơi chốn xa xôi, hay đang trong chiến trường khốc liệt, với bao khắc khoải lo âu, sầu muộn cho số phận mình và những người thân trong tương lai mà mình không thể nắm chặt được trong bàn tay! Trong chiến tranh với nhiều mất mát, người vợ lính VNCH, có thể là những hình ảnh người quả phụ với một nữa con tim bị đóng băng khi nhận được giấy báo tử đơn vị của chồng gởi đến...và một nửa con tim còn lại phải dành cho sự bảo bọc và nuôi dưởng đàn con (hậu duệ) tiếp nối lý tưởng của chồng. Trách nhiệm và sự hy sinh của người vợ lính VNCH rất to tát, cao cả,  xứng đáng được mọi người kính trọng và thương mến, những thân phận của các cánh hoa thời ly loạn.


Một bài thơ rất xúc động được viết từ một người góa ph trẻ là cô Lê Xuân Hảo đã viết cho chồng là cố Thiếu Tá Pháo Binh VNCH Nguyễn Tấn Hưng thuộc Tiểu Ðoàn 155 ly Pháo Binh, đã mất tích tại Kon Tum vào mùa hè đỏ lửa 1972:
Ngày anh lên thiếu tá
với chữ cố đứng đầu
em trở thành góa phụ
trầm mình trong vực sâu
ngày anh lên thiếu tá
sao chẳng có rượu nồng?
ngoài năm vành khăn trắng
nay dật dờ cô đơn
(Ngày Vinh Thăng của Anh)
25 tuổi đầu, tôi làm góa phụ
bốn đứa con thơ tỉnh yêu chưa tròn
10 năm chiến chinh vai đời pháo thủ
chồng tôi bây giờ nằm xuống cô đơn
25 tuổi đầu tôi làm góa phụ
má đỏ môi hồng còn gì nữa đâu
thu đến đông sang xuân qua hè lại
màu trắng khăn sô: tôi chít trên đầu
(Góa Phụ 25)
Chiến tranh do hồ chí minh chủ xướng, đã cướp mất nhiều chàng trai trẻ ưu tú, là những người chồng người Cha của miền nam trước âm mưu xâm lược miền nam VN của CSBV - những cuồng đồ của chủ thuyết không tưởng đã thi hành theo lệnh của Nga Tàu trong chính sách nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á.
Đến khi chiến tranh chấm dứt trong nỗi nghẹn ngào uất hận, bởi đây là cuộc chiến mà VNCH “bị bắt để thua trận”! Sau lời tuyên bố Dương văn Minh, một tổng thống không do dân cử, mà do thời cuộc lên nắm lấy quyền quyết định vượt qua hệ thống lưỡng viện dân cử của VNCH để đơn phương tuyên bố ngưng cuộc chiến và buông súng trong hoàn cảnh ngơ ngác của người chiến binh và dân VNCH. Hàng trăm ngàn đồng bào, quân nhân, viên chức, cán bộ, phải bỏ nơi chôn nhau cắt rún, bằng nhiều phương tiện khác nhau đã ra đi tị nạn trên đất Mỹ và nhiều quốc gia tự do khác trên thế giới. 

Rồi chuyện gì đã đến phải đến, miền nam VN thất thủ, bị bắt thua trận trong niềm chua xót của đồng bào cả nước. Số phận nghiệt ngã cho người miền nam và những gia đình chiến sĩ VNCH đã theo mệnh nước nổi trôi - gần một triệu quân , dân cán chính lũ lượt bị lừa vào 200 trại tập trung cải tạo trên khắp miền đất nước. Có người thì 2 năm, 5 năm, 10 năm, 15 năm, thậm chí 17 năm ròng rã, họ bị coi như như những tội phạm trong xã hội mới bị cách ly với đời sống gia đình và xã hội,  họ bị trù dập rất tàn độc bởi nhóm lãnh đạo CSBV. Cũng trong cuộc đổi đời đó hằng trăm ngàn gia đình di tản ra ngoại quốc, cũng như hằng chục triệu gia đình còn lại trên quê hương, tất cả trong phút chốt bị tan rả mọi thứ từ gia đình tới cuộc sống trong xã hội, mọi việc đều đi ngược lại với cuộc sống tự do hạnh phúc có trước đó. Một màn đen bao phủ trên khắp ngõ đường của miền nam. Trong xã hội mới, mà kẻ thắng trận với lòng thù hận quyết tâm trả thù người miền nam, giờ đây mọi người phải sống trong cái chế độ mà những người lãnh đạo luôn miệng huênh hoang là “dân chủ gấp trăm lần dân chủ tư bản”, người dân luôn phải sống trong nỗi sợ hãi triền miên với những đôi mắt rình rập quanh năm suốt tháng bởi những lớp sâu bọ lên làm người sau ngày 30.4 - một đám người luôn tìm cách tố giác các gia đình VNCH để lập công với đoàn quân cướp miền nam! Các gia đình của các quân nhân VNCH có cuộc sống rất vất vả đầy gian khổ và tủi nhục trong một xã hội đầy hận thù của lớp người mới trong thư thế người "thắng cuộc"

Anh “học tập”, Chị đã từng xông xáo
Nuôi gia đình, dạy con cháu nên thân
Chồng chết oan dưới chế độ phi nhân
Khổ vô tận một đường trần gánh vác.

Khi con người đã cùng hung, cực ác
Thời mẹ cha, chú bác, đến ông bà,
Hay trẻ thơ một chút “ngụy” chẳng tha:
Đảng thóa mạ, quật mả mồ cướp đất.
( Trích Thơ Ý Nga)

Trong những hoàn cảnh bị trù dập đau thương sau ngày 30.4.1975, có rất nhiều hoàn cảnh bi đát được ghi lại như sau:

Có một người vợ lính VNCH cùng con cầm giấy phép “gánh gạo” nuôi chồng học tập cải tạo trên đất Bắc. Họ phải mất ba ngày đi, ba ngày về, có được 2 tiếng đồng hồ gặp gở người chồng trong trại cải tạo! Sau khi thăm chồng xong trở về lại khu nhà ở của mình, nhưng hởi ôi! nhà bị niêm phong với dòng chữ “nhà vắng chủ”. Đau đớn biết bao! Xót xa biết dường nào! Phe thắng cuộc đã dùng thủ đoạn hèn hạ cướp mất đi nơi trú mưa trú nắng từ bao đời của gia đình người vợ lính VNCH.  Một hoàn cảnh thương tâm khác, người vợ lính VNCH có chồng đi cải tạo tập trung, vợ và các con đã nhiều lần bị công an Phường ra lệnh đi khu kinh tế mới, nhưng bà vẫn không đi. Chúng hành hạ bằng cách gọi bà đến văn phòng, bảo ngồi đó từ đầu giờ đến cuối giờ, ngày nào cũng vậy, và ròng rã 6 tháng như vậy. Một hôm, chúng bảo đưa giấy tờ nhà để giải quyết. Khi nắm được hồ sơ, lập tức tên công an ra lệnh trong vòng 24 tiếng đồng hồ bà phải ra khỏi nhà. Đó là cách hành xử phi nhân của cái gọi là phe thắng cuộc. Một đám Mafia đội lốt "giải phóng" dùng mọi thứ tàn bạo, ác độc nhất để chiếm hữu và đối xử với phe thua cuộc.

Cô Nguyễn Thị Hồng - người vợ thủy chung
Anh lính Nghĩa Quân - Việt Nam Cộng Hoà Phạm Văn Cu sinh năm 1952. Trong những đợt về phép anh đã để ý và thương thầm cô thôn nữ Nguyễn Thị Hồng trong xóm. Qua nhiều lần tỏ tình, cuối cùng anh đã chinh phục được trái tim của nàng. Sau đó hai người thành thân và chung sống với nhau. Chưa được bao lâu, thì anh lâm nạn trong trận pháo kích của quân thù. Anh bị mất bàn tay phải và đôi mắt vĩnh viễn. “Khi biết tin ổng bị lâm nạn và sẽ tàn phế suốt đời, cô đau khổ lắm con ơi”, cô Hồng cố kềm nước mắt, nghẹn ngào nói, 
“khoảng thời gian đó, cô không còn thiết tha gì trong cuộc sống nữa”.

Hơn 43 năm trôi qua, mặc cho sóng gió cuộc đời có nghiệt ngã tới đâu, hoặc cách đối xử tàn nhẫn của phe “thắng cuộc” như thế nào, thì vẫn không thể lay chuyển nổi tình yêu của cô thôn nữ đã dành trọn cho anh TPB VNCH tên Phạm Văn Cu.

Người vợ cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn kể lại phút cuối của Chương Thiện,

Bà Cẩn, nhủ danh Nguyễn thị Cảnh với âm hưởng của miền quê Thủ Đức kể lại qua điện thoại. Bà Cảnh nói rằng suốt cuộc đời chưa ai hỏi thăm người thiếu phụ Thủ Đức về một thời để yêu và một thời để chết. Bà nói:

“Kể lại cho bác rõ, những ngày cuối cùng nhà em vẫn hành quân. Đánh nhau ngay trong tiểu khu. Anh Cẩn vẫn còn bay hành quân. Nhà bị pháo kích. Tuy gọi là dinh tỉnh trưởng nhưng cũng chỉ là ngôi nhà thường. Chiều 30 tháng 4 mẹ con em theo các chú lính chạy ra ngoài. Đi lẫn vào dân. Ở Chương Thiện không ai biết em là vợ tỉnh trưởng. Ai cũng tưởng là vợ lính. Từ xa ngó lại mẹ con em thấy anh Cẩn bị chúng bắt giải đi. Bà con kéo mẹ con em tìm đường chạy về Cần Thơ. Chú lính nói rằng bà không đem con chạy đi chúng nó bắt thì khổ. Em dẫn thằng con nhỏ chạy bộ. Mẹ con vừa đi vừa khóc. Hình ảnh cuối cùng thằng con hơn 10 tuổi nhìn thấy bố ngồi trên xe Jeep, Việt cộng cầm súng vây quanh. Bước xuống xe, anh không chống cự, không vùng vằng, không nói năng. Đưa mắt nhìn về phía dân ở xa, giơ tay phất nhẹ. Như một dấu hiệu mơ hồ cho vợ con. Chạy đi. Đó là hình ảnh cuối cùng đã gần 40 năm qua. Từ đó đến nay mẹ con không bao giờ gặp lại. Thân nhân bên anh Cẩn, mẹ và các chị giữ không cho em và con trai ra mặt. Sợ bị bắt. Được tin anh ra tòa nhận án tử hình. Rồi tin anh bị xử bắn. Thời gian anh bị giam gia đình bên anh có đi tiếp tế nhưng không thấy mặt. Chỉ giao tiếp tế cho công an rồi về. Hôm anh bị bắn ở sân vận động Cần Thơ, gia đình cũng không ai được báo tin riêng, nhưng tất cả dân Tây Đô đều biết. Mỗi nhà được loan báo gửi một người đi coi. Bà chị họ đi xem thằng em bị bắn. Chị kể lại là không khí im lặng. Từ xa, nhìn qua nước mắt và nín thở. Chị thấy chú Cẩn mặc quần áo thường dân tỏ ý không cần bịt mắt. Nhưng bọn cộng sản vẫn bịt mắt. Bác hỏi em, bà chị có kể lại rõ ràng ngày xử bắn 14 tháng 8 năm 1975. Mỗi lần nói đến là chị em lại khóc nên cũng không có gì mà kể lại. Chúng bịt mồm, bịt mắt nên anh Cẩn đâu có nói năng gì. Suốt cuộc đời đi đánh nhau anh vẫn lầm lì như vậy. Vẫn lầm lì chịu bị bắt, không giơ tay đầu hàng, không khai báo, không nói năng gì cho đến chết. Anh làm trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng rồi đến tiểu khu trưởng. Báo chí, anh em nói gì thì nói, anh Cẩn chả nói gì hết. Bác hỏi em là mồ mả ra sao. Em và con về nhà mẹ ở Thủ Đức. Gia đình không cho em ra mặt. Bà chị và mẹ anh Cẩn đi xin xác không được. Chúng đem chôn ở phía sau Trung tâm nhập ngũ Cần Thơ. Mấy năm sau mới xin được đem về Rạch Giá. Rồi đến khi khu này bị giải tỏa nên lại hỏa thiêu đem tro cốt về nhà ông chú bên Long Xuyên. Ngày nay, em nói để bác mừng là sau khi vượt biên qua Mỹ em đã đưa di hài anh Cẩn qua bên này. Anh Cẩn bây giờ cũng đoàn tụ bên Mỹ với gia đình. 

“Cô đi năm nào”, tôi hỏi bà Cẩn.


“Mẹ con em ở Thủ Đức ba năm sau 75. Đến 78 thì vượt biên qua Pulo Bidong. Ở trại 8 tháng thì bà con bảo trợ qua Mỹ. Qua bên này mình chả biết ai, không ai biết mình. Cũng như bao nhiêu thuyền nhân, mẹ con ở với nhau. Em đi làm nghề may, rồi đi bán quán cho tiệm Mỹ. Bây giờ cháu trai duy nhất của anh Cẩn đã có gia đình sinh được 2 con.” Nguồn:
://baovecovang2012.wordpress.com/2013/09/25/cau-chuyen-ve-gia-dinh-dta-ho-ngoc-can-giao-chi-sj/


EM, NGƯỜI VỢ LÍNH VNCH
Tháng Tư đó, ngày quê hương tan vỡ,
Cũng là ngày oan trái những mối duyên.
Cả đất trời Nam phủ màu tang đỏ,
Cuộc từ ly không lời hẹn khắp miền…  
Anh lại đi, xa dần theo ngày tháng,
Kiếp tội tù khổ nhục, trói hùng anh !
Giữa cùm gông ,anh nuối hoài dĩ vãng,
Tiếc một thời ngang dọc khắp non xanh.
Nơi thành đô em oằn người cúi mặt,
Gánh con thơ , gánh cả nỗi đoạn trường.
Bước thấp, cao ngược xuôi đời lây lất ,
Dấu trong tim nồng ánh mắt người thương...
Cũi sắt tù càng tôn thêm tánh quý,
Anh kiên cường kháng cự dẫu lặng câm.
Những đòn thù chỉ tăng dần ý chí ,
Xác thân tàn, nhưng nồng cháy thâm tâm .

Em nhọc nhằn len lỏi trong lưới bủa ,
Lòng phập phồng lo lắng phút sẩy chân.
Giữa dòng đời đổi thay , tình nát vữa!
Và quanh em đời ngang trái xoay vần …
Anh trở về với tâm hồn u uất  ,
Một tấm thân đầy dấu tích gian nan !  
Miệng cố cười nhưng tim đang khóc ngất,
Bởi nhìn ra đất nước nhuộm màu tang !!!

Lại quay quắt lùng tìm từng chiến hữu,
Kẻ mất, còn gây nhức nhối tim anh .
Bên điếu thuốc , trà thơm ôn chuyện cũ ,
Hổ oai hùng nhớ tưởng mãi rừng xanh …(1 )
Ba chín mùa chưa đủ làm phai nhạt,
Quê hương xa ray rứt , nhớ thương đầy.
Vẫn vút cao lời Quốc Ca khi hát,
Vẫn rộn ràng ngắm lá Quốc Kỳ bay…
Đã bao năm , từ quen anh em nhận,
Nguyện một đời theo dấu bước chinh phu.
Em hãnh diện bên đời anh lận đận,
Nợ sông hồ vương vấn đến nghìn thu …

 (1) Mượn ý thơ Thế Lữ

Thu Tâm

Sau khi cưỡng chiếm MN, CSBV đã vơ vét, tịch thu tài sản và cơ sở làm ăn của người dân miền nam. Mọi công việc, hãng xưởng lớn nhỏ điều tùy thuộc vào sự ban phát của chúng. Chúng thi hành chính sách kỳ thị và phân biệt đối xử lên người dân MN, nhất là với những gia đình có dính líu đến chế độ VNCH. Tôi (người viết một hậu duệ VNCH) thường được nghe Bà nội tôi kể lại chuyện xưa, thời gian mà chúng tôi chưa hiện diện trên đời, đó là những ngày đầy khó khăn khi quân CSBV chiếm đóng miền nam. Xã hội hoàn toàn xáo trộn bởi một bọn người phi nhân lên làm chủ đất nước...lúc đó ông tôi đã đi cải tạo, mọi sinh hoạt gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Bà nội tôi phải gồng gánh mọi chuyện trong gia đình, bà xông pha khắp nơi để kiếm một công việc làm duy trì sự sống gia đình, lúc đó muốn đi kiếm được một việc làm rất khó khăn, mặc dù với nhiều nổ lực và cố gắng nhưng bà nội tôi cũng không thể nào  xin được một việc làm nơi các hảng xưởng, vì gia đình tôi bị liệt kê có chồng là sĩ quan cao cấp của QLVNCH. Bà nội tôi, người vợ lính VNCH đã phải bất chấp kham khổ làm nhiều công việc buôn bán như bán trầu cau, trái cây, thùng thuốc lá, bán bánh kẹo bên vệ đường, cho đến buôn thúng bán bưng như khoai, bấp, xôi, chè .... Bà tôi phải làm thật nhiều việc ngõ hầu kiếm đủ tiền lo ăn mặc và những nhu cầu sinh hoạt cho các chú bác, anh em của ba chúng tôi. Có những lúc bà tôi phải đi sớm về khuya và có những lúc buôn bán bị ế ẩm, bà tôi phải bán đi những vật có giá trị trong nhà và ngay cả những nữ trang của bà để có tiền trang trải trong gia đình. Bà tần tảo từng ngày để đủ tiền mua quà gởi cho ông nội tôi, đang bị giam cầm nơi ngục tù CS. Hình ảnh bà nội tôi là hình ảnh tiêu biểu cho những người vợ lính  VNCH đảm đang, tận tụy , tháo vát, cần cù...nuôi con, nuôi chồng trong suốt thời gian ông nội tôi đi cải tạo ngoài bắc theo diện sĩ quan cao cấp của QL.VNCH, bà tôi luôn hy sinh và chia sẻ những khăn với gia đình nhà chồng.

Thế rồi, có một ngày bà nội tôi bắt được liên lạc với một tổ chức vượt biên bằng tàu đánh cá. Mọi việc được sắp xếp chu đáo, sau khi ông nội tôi trốn được tù, ra ngoài, liền được bà tôi gởi cho đi vượt biên cùng với mọi người trong gia đình. May mắn mọi việc đều êm xuôi, tất cả đều bình yên đến Malaysia. Rồi sau đó gia đình tôi được nước Đức cho nhập cư vì bà nội tôi, trước 1975 có làm việc cho tòa Đại Sứ Đức tại Sài Gòn. Thế là gia đình tôi được nước Đức bảo lãnh và đón nhận đến đất nước tự do vào tháng 7/1979, được nước Đức cho hưởng được quy chế tị nạn chính trị và được tạm dung trên nước Đức từ đó đến nay. Chúng tôi những hậu duệ VNCH ra đời hơn một thập niên sau đó trên nước Đức và trưởng thành trong một đất nước văn minh và hoàn toàn tự do.

Những mẩu chuyện mà tôi vừa kể ra đây là những câu chuyện hoàn toàn có thật, không phịa, không đổi trắng thay đen để tuyên truyền như người cộng sản thường hay làm, các câu chuyện vừa kể chỉ là những mẩu chuyện tiêu biểu cho hàng ngàn mẩu chuyện đau thương khác đã xảy ra tại miền nam VN sau ngày 30.4.1975, các sự việc xảy ra đều được kể lại từ những nạn nhân còn sống sót và những gia đình từng là nạn nhân của chế độ độc tài hiện nay, họ vẩn còn đang  sống đâu đó nơi các nước tạm dung trong thế giới tự do.


Những vợ lính VNCH rất kiêu hùng với những đức tính tiêu biểu cho truyền thống người phụ nữ VN trong thời chiến và thời bình...rất xứng đáng được vinh danh, họ đã luôn nêu cao được phẩm giá Người phụ nữ Miền Nam, trong hoàn cảnh nghiệt ngã của chế độ độc tài cộng sản, họ đã đứng vững trong một hoàn cảnh hết sức nghiệt ngã để vừa làm trọn thiên chức làm Mẹ, làm người vợ lính và làm Con”. Không có sự hy sinh của các bà mẹ, những người vợ lính VNCH, thế hệ chúng tôi những hậu duệ VNCH, sẽ không có được những ngày thật thành đạt trên đất khách quê người, đó là những tiến sĩ, cử nhân, kỷ sư, bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, nhà giáo, khoa học gia, chính trị gia, thương gia, nghiệp chủ… Nếu được, xin các bạn trẻ đồng cảnh hãy cùng tôi, nghiêng mình cảm kích và tri ân đến những người vợ lính VNCH, hình ảnh những người phụ nữ có những đức tính cao quý, đáng được vinh danh và thương yêu của đại gia đình QL.VNCH. Hãy cố gắng chăm sóc thật tốt sức khỏe cho những người phụ nữ đáng quí trọng này, để họ còn có nhiều cơ hội bên cạnh chúng ta thật nhiều... Bài viết xin được kính tặng đến bà nội tôi và tất cả người vợ lính VNCH trong và ngoài nước.

Những mẩu chuyện về người vợ lính VNCH có thể tìm đọc thêm trong các link dưới đây:

1.Người vợ lính VNCH
2.Người Lính Không Có Số Quân
3.Câu chuyện ‘Thủy Chung’ của ngưồi vợ lính VNCH - Nguyễn Thùy
4. Bà vợ cố Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí, tử sĩ Hoàng Sa
5.Bà vợ cố Trung Tá Ngụy văn Thà, tử sĩ Hoàng Sa
6.Người lính VNCH-Nguyễn văn Răng

Hậu duệ VNCH Lý Bích Thủy 23.5.2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét